Chính sách thuế
Chính sách thuế khi chi trả các khoản hỗ trợ đạt doanh số cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Ngày 04/11/2022, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 53394/CTHN-TTHT trả lời về chính sách thuế khi chi trả các khoản hỗ trợ đạt doanh số cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Chi tiết như sau:
Trường hợp Công ty chi trả các khoản hỗ trợ đạt doanh số, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền cho cá nhân là các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thì Công ty có trách nhiệm khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân theo tỷ lệ % tính thuế GTGT là 1% và tỷ lệ % tính thuế TNCN là 0.5%. Đồng thời Công ty có trách nhiệm kê khai đầy đủ các chỉ tiêu trên phụ lục 01-1/BK-CNKD kèm theo tờ khai mẫu số 01/CNKD theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Khoản thuế Công ty nộp thay hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nêu trên không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC).
Chính sách thuế hoạt động thanh lý tài sản đối với văn phòng đại diện nước ngoài
Ngày 25/11/2022, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 57837/CTHN-TTHT hướng dẫn về chính sách thuế đối với hoạt động thanh lý tài sản cho văn phòng đại diện nước ngoài như sau:
Trường hợp Văn phòng đại điện là văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam không hoạt động sản xuất, kinh doanh, nếu có hoạt động thanh lý tài sản là hàng hóa đã mua để phục vụ hoạt động của văn phòng đại diện thì thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TNDN.
Vi phạm hành chính do ảnh hưởng dịch Covid-19 có thể được miễn phạt
Ngày 01/12/2022, Tổng cục Hải Quan ban hàng Công văn số 5167/TCHQ-PC về việc xử phạt vi phạm hành chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể như sau:
Liên quan đến việc xem xét miễn xử phạt vi phạm hành chính do ảnh hưởng dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 118/2021/NĐ-CP và hướng dẫn tại Công văn số 4428/TCHQ-PC ngày 15/9/2021, Công văn số 54/TCHQ-PC ngày 7/1/2022 và thực tế vụ việc để giải quyết.
Lộ trình và điều kiện lập Hóa đơn điện tử “HĐĐT” từ máy tính tiền
Ngày 05/12/2022, Tổng cục Thuế ban hàng Công văn số 4517/TCT-DNNCN về việc triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Cụ thể như sau:
Công văn này hướng dẫn về lộ trình triển khai, đối tượng, điều kiện sử dụng, những lợi ích khi sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền theo quy định tại Điều 8 Thông tư 78/2021/TT-BTC.
Theo đó, ngành Thuế sẽ triển khai chương trình sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền theo từng đợt và đợt 1 dự kiến triển khai từ ngày 15/12/2022 đến hết tháng 3/2023; các đợt tiếp theo từ ngày 1/4/2023 trở đi do Cục thuế chủ động quyết định.
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc diện tập trung triển khai sử dụng HĐĐT từ máy tính tiền trong đợt 1 chủ yếu nằm trong các ngành nghề kinh doanh gồm: ăn uống, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vụ khác (như vui chơi giải trí, vé xe buýt, vé tham quan, du lịch…). Danh sách cụ thể do Cục thuế chủ động quyết định.
Để sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần phải đáp ứng các điều kiện cơ bản sau: có chữ ký số, tài khoản giao dịch thuế điện tử; có máy tính hoặc thiết bị điện tử kết nối internet; sử dụng phần mềm lập HĐĐT vừa có thể truyền dữ liệu đến người mua và đến cơ quan thuế
Thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)
Miễn lập hồ sơ toàn cầu nếu các bên liên kết không thuộc tập đoàn đa quốc gia
Ngày 30/11/2022, Cục Thuế Thành phố Hà Nội ban hàng Công văn số 59003/CTHN-TTHT về việc lập hồ sơ toàn cầu và kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Nghị định 132/2020/NĐ-CP, hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết có bao gồm hồ sơ toàn cầu thể hiện thông tin về hoạt động kinh doanh của tập đoàn đa quốc gia, chính sách, phương pháp phân bổ thu nhập, xác định giá giao dịch liên kết của tập đoàn trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu các bên liên kết không thuộc tập đoàn đa quốc gia thì không phải lập hồ sơ toàn cầu theo Phụ lục III Nghị định 132/2020/NĐ-CP.
Lãi tiền gửi ngân hàng chỉ phải nộp thuế TNDN khi thực tế đã thu
Ngày 23/11/2022, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 57306/CTHN-TTHT hướng dẫn về chính sách thuế TNDN đối với khoản lãi tiền gửi dự thu. Cụ thể như sau:
Căn cứ khoản 7 Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khoản thu nhập khác, pháp luật thuế TNDN không quy định việc xác định khoản thu nhập dự kiến thu được nhưng chưa thực tế phát sinh được tính vào thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ tính thuế. Trường hợp Công ty thực tế phát sinh khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng thì khoản thu nhập này được tính vào thu nhập chịu thuế của kỳ tính thuế thực tế phát sinh thu nhập theo hướng dẫn tại khoản 7 Điều 7 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính nêu trên.
Các khoản thu nhập được ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp sản xuất phần mềm
Ngày 08/12/2022, Cục Thuế Thành phố Hà Nội ban hàng Công văn số 60516/CTHN-TTHT về ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp sản xuất phần mềm. Cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 96/2015/TT-BTCstatus2 , trường hợp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế do đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi (sản xuất phần mềm) thì ngoài thu nhập từ sản xuất phần mềm, các khoản thu nhập như thanh lý phế liệu, phế phẩm của sản phẩm phần mềm, chênh lệch tỷ giá liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của lĩnh vực sản xuất phần mềm, lãi tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, các khoản thu nhập có liên quan trực tiếp khác cũng được ưu đãi.
Nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp
Ngày 07/11/2022, Bộ tài chính ban hành Thông tư số 67/2022/TT-BTC hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
- Hằng năm, doanh nghiệp được trích theo tỷ lệ phần trăm (%) tính trên thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo nguồn Quỹ theo quy định, cụ thể:
(1) Đối với doanh nghiệp nhà nước: Thực hiện trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế. Tỷ lệ trích cụ thể căn cứ vào khả năng và nhu cầu chi cho các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;
(2) Đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng nêu tại (1): Doanh nghiệp tự quyết định mức trích cụ thể, nhưng tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
- Khoản trích Quỹ được xác định theo từng kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp và được trừ vào thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế.
Bên cạnh đó, trong thời hạn 05 năm kể từ khi trích lập Quỹ mà doanh nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích Quỹ hằng năm thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách Nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích Quỹ hằng năm, đồng thời phải nộp tiền lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó. Trường hợp nhận điều chuyển Quỹ thì thời hạn 05 năm đối với khoản nhận điều chuyển Quỹ được xác định kể từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp nhận điều chuyển Quỹ.
Lãi suất tính tiền lãi phát sinh đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp thu hồi tính trên phần Quỹ không sử dụng hết là lãi suất trái phiếu kho bạc loại kỳ hạn một năm áp dụng tại thời điểm thu hồi và thời gian tính lãi là 02 năm theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008.
Thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”)
Thu nhập chịu thuế TNCN đối với khoản hỗ trợ sinh con
Ngày 07/11/2022, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 53673/CTHN-TTH trả lời vướng mắc về thuế TNCN đối với khoản hỗ trợ sinh con. Chi tiết như sau:
Trường hợp người lao động nhận được khoản tiền hỗ trợ sinh con do tổ chức, cá nhân trả thu nhập hỗ trợ có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động; mức chi phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của văn bản hướng dẫn thi hành luật thuế TNDN (Tổng số chi có tính chất phúc lợi của tổ chức, cá nhân trả thu nhập không quá một tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp) thì khoản tiền nhận được này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC và điểm 2.30 khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC.
Trực tiếp nhận lương từ nước ngoài phải tự khai, tự nộp thuế TNCN
Ngày 04/11/2022, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 53405/CTHN-TTHT trả lời về việc chi trả hộ và thực hiện kê khai, khấu trừ, quyết toán thuế TNCN của người lao động ký hợp đồng lao động với công ty mẹ ở nước ngoài. Chi tiết như sau:
– Trường hợp cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công được trả từ nước ngoài; cá nhân không cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh tại Việt Nam nhưng được trả từ nước ngoài thì thuộc diện trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế theo quy định khoản 3 Điểu 19 Thông tư số 80/2021/TT-BTC.
Thuế giá trị gia tăng (“GTGT”)
Chuyển nhượng nhà ở của dự án ngoài tỉnh phải khai thuế GTGT riêng
Ngày 25/11/2022, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 57838/CTHN-TTHT hướng dẫn về kê khai thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư ngoại tỉnh. Chi tiết như sau:
Trường hợp Công ty kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ phát sinh hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng tại tỉnh, thành phố khác nơi có trụ sở chính thì Công ty thực hiện khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng (bao gồm cả trường hợp có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ) theo mẫu 01/GTGT tại cơ quan thuế nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Thuế nhà thầu
Thuê nước ngoài giao nhận hàng phải trích nộp 2% thuế nhà thầu
Ngày 25/11/2022, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 57839/CTHN-TTHT hướng dẫn về chính sách thuế nhà thầu đối với hoạt động thuê doanh nghiệp vận tải nước ngoài giao nhận hàng, Chi tiết như sau:
Trường hợp Công ty giao nhận B (ở nước ngoài) phát sinh thu nhập từ việc cung cấp dịch vụ vận tải quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài trên cơ sở hợp đồng ký với tổ chức Việt Nam thì thuộc đối tượng thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà thầu nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 103/2014/TT-BTC nêu trên.
Trường hợp Công ty giao nhận B không đáp ứng được một trong các điều kiện nêu tại Điều 8 Thông tư số 103/2014/TT-BTC thì bên Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế nhà thầu thay cho Nhà thầu nước ngoài theo tỷ lệ TNDN đối với dịch vụ vận chuyển quốc tế là 2% trên doanh thu tính thuế TNDN hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư số 103/TT-BTC.
Doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu không bao gồm thuế GTGT mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được, chưa trừ các khoản thuế phải nộp. Doanh thu tính thuế TNDN được tính bao gồm cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có) theo quy định tại tiết a khoản 1 Điều 13 Thông tư số 103/TT-BTC.
Hãng hàng không nước ngoài bán vé trực tiếp cho hành khách ở Việt Nam phải chịu thuế nhà thầu
Ngày 06/12/2022, Cục Thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 59940/CTHN-TTHT về chính sách thuế đối với nhà thầu nước ngoài. Cụ thể như sau:
Trường hợp Công ty mua vé máy bay trực tuyến của Hãng hàng không nước ngoài cho Giám đốc đi công tác, nếu Hãng hàng không nước ngoài xuất bán vé máy bay thông qua đại lý, văn phòng tại Việt Nam thì các đại lý, văn phòng này chịu trách nhiệm khấu trừ, nộp thay thuế nhà thầu (khoản 2 Điều 4 Thông tư 103/2014/TT-BTC).
Tuy nhiên, nếu Hãng hàng không nước ngoài xuất bán vé điện tử trực tiếp cho Công ty (không thông qua đại lý, văn phòng tại Việt Nam) và Hãng nước ngoài không có đăng ký thuế tại Việt Nam theo quy định tại Điều 76, 77, 78, 79 Thông tư 80/2021/TT-BTC hoặc không đáp ứng điều kiện trực tiếp khai thuế theo quy định tại Điều 8 Thông tư 103/2014/TT-BTC thì Công ty phải khấu trừ, nộp thay thuế nhà thầu. Tỷ lệ tính thuế đối với doanh thu bán vé máy bay của Hãng hàng không nước ngoài là 2% doanh thu chịu thuế TNDN (khoản 2 Điều 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC).
Hải quan
Xử lý thuế hàng nhập khẩu từ nội địa để sản xuất hàng hóa xuất khẩu vào kho ngoại quan
Ngày 02/11/2022, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 4613/TCHQ-TXNK hướng dẫn xử lý thuế đối với hàng nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Cụ thể như sau:
Kho Ngoại quan đáp ứng định nghĩa khu phi thuế quan theo Khoản 1 Điều 4, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, đồng thời là Khu vực Hải Quan riêng theo Khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý Ngoại Thương số 05/2017/QH14, quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa kho ngoại quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu. Do đó, trường hợp Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ kho ngoại quan từ nội địa để sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thực tế đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài đáp ứng điều kiện Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016, sửa đổi bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/03/2021 thì được miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế GTGT theo quy định.
Cách khai điều kiện giao hàng DPU Incoterm 2020 trên tờ khai nhập khẩu
Ngày 14/11/2022, Cục thuế xuất nhập khẩu – Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 9793/TXNK-TGHQ trả lời vướng mắc của doanh nghiệp về kê khai DPU Incoterm 2020 trên tờ khai nhập khẩu như sau:
Theo Incoterm 2020, điều kiện DPU thay thế cho điều kiện giao hàng DAT Incoterm 2010;
Căn cứ hướng dẫn tại chỉ tiêu 1.44, ô 2 khoản 2 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được thay thế tại Phụ lục I kèm theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, có liệt kê các điều kiện giao hàng, trong đó có điều kiện giao hàng DAT, không có điều kiện DPU;
Căn cứ chỉ tiêu số 1.50 “chi tiết khai trị giá” khoản 2 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được thay thế tại Phụ lục I kèm theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 hướng dẫn người khai hải quan cập nhật ghi chú về khai báo trị giá;
Đối chiếu quy định nêu trên, Cục thuế xuất nhập khẩu hướng dẫn doanh nghiệp khai báo theo hướng: Nhập điều kiện giao hàng theo điều kiện DAT, đồng thời tại ô “chi tiết khai trị giá” nhập nội dung ghi chú: “ĐKGH DPU theo Incoterm 2020”.
Tổng hợp những điểm mới của Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu “XNK” năm 2022
Ngày 17/11/2022, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 4891/TCHQ-TXNK ngày 17/11/2022 về việc thực hiện Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022:
Nhằm giúp doanh nghiệp, Hải quan các tỉnh kịp thời nắm bắt những điểm mới của Danh mục hàng hóa XNK 2022 (ban hành tại Thông tư 31/2022/TT-BTC) so với Danh mục 2017 (ban hành tại Thông tư 65/2017/TT-BTC), Tổng cục Hải quan đã tổng hợp tại Phụ lục kèm theo.
Danh mục 2022 bao gồm 21 Phần, 97 Chương, 1.228 nhóm ở cấp độ 4 số, 4.084 phân nhóm ở cấp độ 6 số và chi tiết thành 11.414 dòng hàng ở cấp độ 8 số, tăng 601 dòng hàng so với Danh mục 2017.
Những sửa đổi của Danh mục 2022 tập trung vào việc cập nhật những thay đổi về công nghệ, kỹ thuật, thương mại của một số nhóm hàng để phù hợp với tình hình thực tế, bao gồm các ngành hàng: thủy sản (Chương 03), thực phẩm chế biến (Chương 16, 19, 21), thuốc lá (Chương 24), hóa chất (Chương 28, 29, 38), dược phẩm (Chương 30), máy móc thiết bị (Chương 84, 85), phương tiện vận tải (Chương 87), tác phẩm nghệ thuật (Chương 97) …
Ngoài ra, một số mã hàng có sửa đổi được Tổng cục Hải quan lưu ý tại điểm 1 Mục I Công văn này, bao gồm: thuốc lá điện tử (nhóm 24.04), bộ test chẩn đoán (nhóm 38.22), chất HFCs (nhóm 29.03), mô đun màn hình dẹt (nhóm 85.24), module LED (nhóm 85.39), phế liệu và phế thải điện và điện tử (nhóm 85.49), máy in 3D (nhóm 84.85), phương tiện bay không người lái (nhóm 88.06).
Danh mục 2022 được áp dụng để khai báo kể từ thời điểm Thông tư 31/2022/TT-BTC có hiệu lực, 1/12/2022.
Lùi thời hạn hiệu lực thông tư 31/2022/TT- BTC ban hành ngày 08 tháng 06 năm 2022
– Ngày 30/11/2022, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 72/2022/TT-BTC về việc ngừng hiệu lực thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08 tháng 06 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
– Trong thời gian ngưng hiệu lực của Thông tư, các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định sau đây tiếp tục có hiệu lực thi hành:
- Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;
- Thông tư số 09/2019/TT-BTC ngày 15/02/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các Phụ lục của Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2022.
Quản lý ngoại hối, lao động, bảo hiểm
Thời hạn nộp báo cáo khoản vay và các khoản vay phải thực hiện đăng ký với ngân hàng Nhà nước
Ngày 15/11/2022 Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 12/2022/TT-NHNN về có sự sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp cũng như mục tiêu quản lý của Ngân hàng Nhà nước (“NHNN”). Cụ thể như sau:
- Chế độ báo cáo đối với bên đi vay:
Định kỳ hàng tháng, chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo kỳ báo cáo, bên đi vay phải báo cáo trực tuyến tình hình thực hiện các khoản vay ngắn, trung và dài hạn tại Trang điện tử. Trường hợp Trang điện tử gặp lỗi kỹ thuật không thể gửi được báo cáo, bên đi vay gửi báo cáo bằng văn bản theo quy định.
Tông tư 12/2022/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2022. Do đó, kỳ báo cáo đầu tiên thực hiện theo thông tư 12 là báo cáo tháng 11/2022 (thời hạn nộp báo cáo chậm nhất là ngày 05/12/2022, số liệu báo cáo tháng 11/2022 là số liệu phát sinh trong tháng 10/2022 và 11/2022, số dư đầu kỳ báo cáo tháng 11/2022 bằng số dư cuối kỳ báo cáo quý 3/2022). Trường hợp vi phạm các quy định về vay, trả nợ nước ngoài nói chung và chế độ báo cáo nói riêng, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
- Khoản vay phải thực hiện đăng ký với NHNN bao gồm:
- Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.
- Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm
- Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên. (Hiện hành theo Thông tư 03/2016/TT-NHNN quy định: trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành việc trả nợ. Khoản vay trong thời gian 10 (mười) ngày kể từ thời điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.)
- Các trường hợp phải đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài:
Bên đi vay phải đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài với NHNN nếu thay đổi bất kỳ nội dung nào liên quan đến khoản vay được nêu tại văn bản xác nhận đăng ký, văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của NHNN, trừ trường hợp:
- Vay đổi thời gian rút vốn, trả nợ gốc trong vòng 10 ngày làm việc so với kế hoạch đã được NHNN xácnhận;
- Thay đổi địa chỉ của bên đi vay nhưng không thay đổi tỉnh, thành phổ nơi bên đi vay đặt trụ sở chính;
- Thay đổi bên cho vay, các thông tin liên quan về bên cho vay trong khoản vay hợp vốn có chỉ định đại diện các bên cho vay, trừ trường hợp bên cho vay đồng thời là đại diện các bên cho vay và việc thay đổi đó làm thay đổi vai trò đại diện các bên cho vay;
- Thay đổi tên giao dịch thương mại của ngân hàngcung ứng dịch vụ tài khoản, ngân hàng phục vụ giao
dịch bảo đảm;
- Thay đổi kế hoạch trả lãi, phí của khoản vay so với kể hoạch đã được NHNN xác nhận nhưng không
thay đổi cách xác định lãi, phí quy định tại thỏa thuậnvay;
- Thay đổi số tiền rút vốn, trả nợ gốc, lãi, phí trong phạm vi 100 đơn vị tiền tệ của đồng tiền vay nước
ngoài so với số tiền đã đăng ký;
- Thay đổi số tiền rút vốn, trả nợ gốc thực tế của một kỳ cụ thể ít hơn số tiền được nêu tại kế hoạch rút
vốn, trả nợ
Lương cơ sở sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7/2023
Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội ban hành về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023:
Nghị quyết phê duyệt dự toán NSNN năm 2023, theo đó tổng số thu NSNN năm 2023 là 1.620.744 tỷ đồng, tổng số chi NSNN năm 2023 là 2.076.244 tỷ đồng, tổng mức vay của NSNN năm 2023 là 648.213 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Điều 3 Nghị quyết này đã cho phép tăng mức lương cơ sở kể từ ngày 1/7/2023 lên 1,8 triệu đồng/tháng, đồng thời tăng thêm 12,5% mức lương hưu, trợ cấp BHXH cho đối tượng do NSNN bảo đảm.
Báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài năm 2022 phải nộp trước 6/1/2023
Ngày 18/11/2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM ban hành Công văn số 34158/SLĐTBXH-ATLĐ về việc thực hiện báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài năm 2022 như sau:
Các doanh nghiệp có sử dụng lao động người nước ngoài trong năm 2022 sẽ phải nộp Báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài theo Mẫu số 07/PLI ban hành kèm Nghị định 152/2020/NĐ-CP, thời hạn nộp từ ngày 15/12/2022 – 5/1/2023.
Số liệu kỳ báo cáo bao gồm số liệu lao động nước ngoài tổng hợp từ ngày 15/12/2021 đến 14/12/2022.
Hình thức nộp Báo cáo: truy cập vào link Google Form: https://forms.gle/kNqRgsH42Vu4evwj8 hoặc quét mã QR Code đính kèm để truy cập link nộp Báo cáo và gửi trực tuyến đến Sở Lao động TB&XH, bao gồm số liệu lao động nước ngoài và bản chụp Báo cáo có ký tên, đóng dấu đỏ (tập tin PDF).
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/12/2022 và áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế từ ký tính thuế TNDN năm 2022.
Quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Ngày 18/11/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hàng quyết định 3503/QĐ-BHXH ngày 18/11/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ban hành kèm Theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH Ngày 31/01/2019 của tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cụ thể như sau:
Sửa đổi quy định về phân cấp giải quyết, chi trả bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần như sau:
- BHXH tỉnh lập danh sách chi trả chế độ BHXH một lần do BHXH tỉnh chi trả; danh sách chi trả chế độ BHXH một lần bằng tiền mặt do BHXH tỉnh giải quyết chuyển cơ quan Bưu điện chi trả (đối với trường hợp người hưởng đăng ký nhận tiền mặt tại cơ quan bưu điện).
- BHXH huyện lập danh sách chi trả chế độ BHXH một lần do BHXH huyện chi trả; danh sách chi trả chế độ BHXH một lần bằng tiền mặt do BHXH huyện giải quyết chuyển cơ quan Bưu điện chi trả (đối với trường hợp người hưởng đăng ký nhận tiền mặt tại cơ quan bưu điện); danh sách hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề theo phân cấp thu.
Bên cạnh đó, Bộ phận Chế độ BHXH có trách nhiệm căn cứ dữ liệu giải quyết hưởng các chế độ, trợ cấp BHXH một lần (bao gồm cả các khoản trợ cấp một lần kèm theo chế độ BHXH hàng tháng mà người hưởng đăng ký nhận qua tài khoản cá nhân); thông báo chuyển hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ tử tuất một lần và lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng mà người hưởng có khoản trợ cấp một lần kèm theo từ huyện/tỉnh khác.