Quản lý thuế
Ngày 05/10/2022, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 48317/CTHN-TTHT về kê khai đối với hóa đơn thay thế. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp Công ty sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và quy định tại Thông tư số 78/2021/TT-BTC, nếu phát hiện hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính mà hóa đơn này có sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và lập hóa đơn hóa đơn điện tử mới (hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã) thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót. Hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm” theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 12 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021 của Bộ Tài chính.
Công ty thực hiện khai bổ sung theo hướng dẫn tại Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 của Quốc hội và khoản 4 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Trường hợp Công ty khai bổ sung không làm thay đổi nghĩa vụ thuế thì chỉ phải nộp Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan, không phải nộp Tờ khai bổ sung.
Khai thuế, nộp thuế thay đối với các khoản thưởng khuyến mại, chiết khấu thương mại cho hộ kinh doanh (“HKD”), cá nhân kinh doanh (“CNKD”)
Ngày 19/10/2022, Tổng cục thuế ban hành Công văn số 3870/TCT-DNNCN hướng dẫn về việc: khai thuế thay, nộp thuế thay đối với khoản thưởng khuyến mại, chiết khấu thương mại cho HKD, CNKD. Nội dung cụ thể như sau:
– Đối với quà tặng khuyến mại:
Trường hợp Công ty tặng hiện vật là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng cho khách hàng không kèm theo việc mua, bán hàng hóa thì khoản quà tặng mà khách hàng nhận được thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân từ quà tặng. Trường hợp Công ty chi hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật cho hộ khoán đạt doanh số thì thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
– Đối với thưởng khuyến mại, chiết khấu thương mại:
+ Trường hợp Công ty sản xuất thực hiện việc chiết khấu thương mại cho khách hàng là hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán mua hàng với khối lượng lớn, bao gồm cả trường hợp hộ kinh doanh ngành nghề sản xuất thì Công ty chỉ thực hiện khai thay, nộp thay thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”) cho hộ khoán theo mức thuế suất thuế TNCN 0,5%.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm khi cung cấp thông tin về phương pháp tính thuế của hộ kinh doanh cho tổ chức để tổ chức thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay nếu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là hộ khoán.
+ Trường hợp tổ chức thực hiện chương trình khuyến mại đúng quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 92 của Luật thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/06/2005 của Quốc hội thì khoản tiền, hiện vật hộ khoán nhận được vượt trên 10 triệu đồng thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân từ trúng thưởng. Tổ chức chi trả thưởng từ khuyến mại thực hiện việc khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại Điều 15, điểm g khoản 1 Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính.
– Đối với khoản thuế Công ty nộp thay cho khách hàng nhận quà tặng khuyến mại, chiết khấu thương mại:
Trường hợp Công ty chi trả các khoản quà tặng khuyến mại, chiết khấu thương mại, … cho cá nhân và nộp thuế thay cho cá nhân thì Công ty không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thuế nộp thay cho cá nhân.
Đăng ký bà nội là người phụ thuộc phải có giấy xác nhận trách nhiệm nuôi dưỡng
Ngày 27/10/2022, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 51877/CTHN-TTHT về việc giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Theo đó, bà nội ngoài độ tuổi lao động được đăng ký là người phụ thuộc để tính giảm trừ thuế TNCN nếu đáp ứng điều kiện không có thu nhập hoặc thu nhập không quá 1 triệu đồng/tháng và có giấy tờ chứng minh trách nhiệm nuôi dưỡng.
Các giấy tờ chứng minh nghĩa vụ nuôi dưỡng thực hiện theo quy định tại điểm g.4.2, Thông tư số 111/2013/TT-BTC về thuế TNCN, trong đó có bản tự khai có xác nhận của địa phương nơi bà nội cư trú về việc người lao động đang trực tiếp nuôi dưỡng bà.
Đăng ký cha mẹ đẻ làm người phụ thuộc không bắt buộc phải kê khai người trực tiếp nuôi dưỡng
Ngày 28/10/2022, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 52118/CTHN-TTHT về hồ sơ đăng ký người phụ thuộc thuế TNCN. Theo đó, hồ sơ đăng ký giảm trừ người phụ thuộc đối với cha đẻ, mẹ đẻ ngoài độ tuổi lao động chỉ bao gồm các giấy tờ hướng dẫn tại tiết g.3 điểm g khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC, không yêu cầu phải lập bảng kê khai về người trực tiếp nuôi dưỡng theo mẫu 07/XN-NPT-TNCN ban hành tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC. Người nộp thuế phải cam kết và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin người phụ thuộc.
Những sửa đổi chủ yếu của Nghị định số 91/2022/NĐ-CP về kê khai thuế
Ngày 30/10/2022, Tổng cục Thuế ban hành Công điện số 13/CĐ-TCT về việc triển khai Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Theo đó, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung các quy định sau của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP:
– Việc khai thuế TNCN của tổ chức, cá nhân không phát sinh việc khấu trừ thuế;
– Trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc cung cấp cho cơ quan thuế biết thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có mua bán trên sàn;
– Quy định tạm nộp thuế TNDN, tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ;
– Việc nộp hồ sơ khai thuế BVMT đối với than khai thác và thu nội địa;
– Về trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ;
– Về thời điểm tổ chức khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức, nhận thưởng bằng chứng khoán;
– Sửa đổi Thông báo ngừng sử dụng hóa đơn Mẫu số 04-1/CC ban hành kèm Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
Nghị định số 91/2022/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Riêng quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 1 Nghị định được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2021.
Thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”)
Mua hàng của cá nhân không kinh doanh được miễn hóa đơn
Ngày 19/10/2022, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 50528/CTHN-TTHT về hóa đơn điện tử và chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Nội dung của công văn như sau:
Cục thuế Thành phố Hà Nội lưu ý, đối tượng được cơ quan thuế cấp HĐĐT để giao khách hàng theo từng lần bán hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 không bao gồm cá nhân không kinh doanh.
Trường hợp doanh nghiệp có các khoản chi phí đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC thì được chấp nhận hạch toán.
Thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”)
Người lao động phải có Mã số Thuế mới được uỷ quyền công ty quyết toán thay thuế TNCN
Ngày 20/10/2022, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 50820/CTHN-TTHT hướng dẫn kê khai Quyết toán thuế TNCN. Nội dung cụ thể như sau:
Tổ chức trả thu nhập khi làm thủ tục kê khai thay Quyết toán thuế TNCN cho người lao động theo ủy quyền phải có đầy đủ mã số thuế cá nhân của người lao động. Trường hợp tổ chức trả thu nhập chỉ kê khai theo số chứng minh nhân dân của người lao động thì hướng dẫn người lao động thực hiện thủ tục đăng ký thuế theo quy định tại Thông tư số 105/2020/TT-BTC và tổ chức trả thu nhập thực hiện kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế TNCN theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 của Quốc hội theo quy định.
Thuế giá trị gia tăng (“GTGT”)
Hóa đơn thay thế được kê khai tại kỳ tính thuế có sai sót
Ngày 11/10/2022, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành công văn số 49049/CTHN-TTHT về việc xử lý hoá đơn và kê khai thuế thuế GTGT. Nội dung công văn như sau:
– Trường hợp hóa đơn GTGT bán ra đã lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, sau đó phát sinh sai sót cần điều chỉnh cho khách hàng thì thực hiện xử lý về hóa đơn theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 12 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021 của Bộ Tài chính.
– Trường hợp hóa đơn GTGT bán ra đã lập theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, sau đó phát sinh sai sót cần điều chỉnh thì thực hiện xử lý hóa đơn theo hướng dẫn tại điểm c Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Riêng đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn có sai sót thì Doanh nghiệp thực hiện lập hóa đơn điều chỉnh theo hướng dẫn tại Điểm e Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.
– Trường hợp Công ty thực hiện kê khai bổ sung điều chỉnh thuế GTGT đối với hóa đơn điều chỉnh, thay thế thì thực hiện kê khai tại kỳ tính thuế có sai sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 của Quốc hội và khoản 4 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Hải quan
Hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam
Ngày 17/10/2022, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 4357/TCHQ-GSQL trả lời vướng mắc của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam. Công văn có một số nội dung đáng chú ý như sau:
– Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam được quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12/6/2017. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ.
– Căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan thì người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình. Do vậy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại chỗ (người khai hải quan) phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.
– Về thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân không có hiện diện tại Việt Nam thực hiện theo căn cứ quy định tại Nghị định số 90/2007/NĐ-CP ngày 31/05/2007 của Chính phủ để thực hiện.
Thuế nhập khẩu đối với hàng hóa do nhà thầu nhập khẩu từ nước ngoài để xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc, lắp đặt thiết bị cho doanh nghiệp chế xuất (DNCX).
Ngày 17/10/2022, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 4344/TCHQ-TXNK trả lời Cục Hải quan các tỉnh, thành phố vướng mắc về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa do nhà thầu nhập khẩu từ nước ngoài để xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc, lắp đặt thiết bị cho doanh nghiệp chế xuất (DNCX), tiếp theo Công văn số 4199/TCHQ-TXNK ngày 27/08/2021. Nội dung cụ thể như sau:
1.Về hồ sơ, thủ tục hải quan
a) Từ ngày 01/04/2015 đến trước ngày 05/06/2018
– Về hồ sơ hải quan: Điểm c khoản 4 Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế thì ngoài các chứng từ nêu tại khoản 2 Điều này thì người khai hải quan nộp, xuất trình thêm: Hợp đồng bán hàng cho các doanh nghiệp chế xuất theo kết quả đấu thầu hoặc Hợp đồng cung cấp hàng hóa, trong đó, quy định giá trúng thầu hoặc giá cung cấp hàng hóa không bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (nếu có) để phục vụ xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc của doanh nghiệp chế xuất do các nhà thầu nhập khẩu.
– Về thủ tục hải quan: Khoản 2 Điều 75 Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định trường hợp nhà thầu nhập khẩu hàng hoá để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, lắp đặt thiết bị cho DNCX, sau khi bàn giao công trình cho DNCX thì báo cáo lượng hàng hóa đã nhập khẩu cho cơ quan hải quan nơi quản lý DNCX theo mẫu số 18/NTXD-DNCX/GSQL Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Từ ngày 05/06/2018 đến nay
– Về hồ sơ hải quan: Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định ngoài hồ sơ hải quan quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này thì: “Hàng hóa của các nhà thầu nhập khẩu từ nước ngoài đưa trực tiếp vào khu phi thuế quan đó xây dựng nhà xưởng, văn phòng, lắp đặt thiết bị theo kết quả đấu thầu: 01 bản chụp hợp đồng bán hàng vào khu phi thuế quan theo kết quả đấu thầu hoặc chỉ định thầu trong đó, quy định giá trúng thầu không bao gồm thuế nhập khẩu.”
– Về thủ tục hải quan: Khoản 51 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 75 Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định trường hợp nhà thầu nhập khẩu hàng hóa để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, lắp đặt thiết bị cho DNCX thì thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan quản lý DNCX; nhà thầu nhập khẩu thực hiện khai tờ khai hải quan nhập khẩu theo hướng dẫn tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này, chỉ tiêu “Phần ghi chú” khai thông tin số hợp đồng theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 16 Thông tư này và ngay khi được thông quan hàng hóa phải đưa trực tiếp vào DNCX. Sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc hợp đồng thầu, DNCX và nhà thầu nhập khẩu báo cáo lượng hàng hóa đã nhập khẩu cho cơ quan hải quan nơi quản lý DNCX theo mẫu số 20/NTXD-DNCX/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này.
2. Về chính sách thuế nhập khẩu:
a) Từ ngày 01/04/2015 đến trước ngày 05/06/2018
Trường hợp nhà thầu nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài để xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc, lắp đặt thiết bị cho DNCX đáp ứng quy định về hồ sơ, thủ tục hải quan tại điểm c khoản 4 Điều 16, khoản 2 Điều 75 Thông tư số 38/2015/TT-BTC thì không phải kê khai, nộp thuế nhập khẩu.
Trường hợp nhà thầu nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài để xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc, lắp đặt thiết bị cho DNCX không đáp ứng quy định về hồ sơ, thủ tục hải quan tại điểm c khoản 4 Điều 16, khoản 2 Điều 75 Thông tư số 38/2015/TT-BTC thì phải kê khai, nộp thuế nhập khẩu.
b) Từ ngày 05/06/2018 đến nay
Trường hợp nhà thầu nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài để xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc, lắp đặt thiết bị cho DNCX đáp ứng quy định về hồ sơ, thủ tục hải quan tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, khoản 51 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 75 Thông tư số 38/2015/TT-BTC thì không phải kê khai, nộp thuế nhập khẩu.
Trường hợp nhà thầu nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài để xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc, lắp đặt thiết bị cho DNCX không đáp ứng quy định về hồ sơ, thủ tục hải quan tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, khoản 51 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 75 Thông tư số 38/2015/TT-BTC thì phải kê khai, nộp thuế nhập khẩu.
Ngày 20/10/2022 và 21/10/2022, Bộ Công thương ban hành các Công văn số 642, 643, 648/XNK-CN trả lời doanh nghiệp về việc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu hàng hóa sau đó xuất khẩu không qua gia công, chế biến. Nội dung cụ thể như sau:
Nội dung và phạm vi quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, theo đó, các quyền này không bao gồm hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa.
Nhập hàng từ kho ngoại quan để sản xuất xuất khẩu (“SXXK”) vẫn được miễn thuế
Ngày 02/11/2022 của Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 4613/TCHQ-TXNK về việc xử lý thuế hàng nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Nội dung cụ thể như sau:
Theo Tổng cục Hải quan, “kho ngoại quan” vừa đáp ứng định nghĩa về khu phi thuế quan theo khoản 1 Điều 4 Luật Thuế XNK số 107/2016/QH13 đồng thời là khu vực hải quan riêng theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 và quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa kho ngoại quan với bên ngoài là xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ kho ngoại quan vào nội địa để SXXK và thực tế đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP) thì cũng được miễn thuế nhập khẩu và không chịu thuế GTGT.
Giao dịch liên kết đối với khoản vay ngắn, trung, dài hạn
Ngày 21/10/2022, Cục thuế Tỉnh Bình Định ban hành công văn số 3129/CTBDI-TTHT trả lời vướng mắc của một doanh nghiệp về việc xác định giao dịch liên kết đối với khoản vay từ Ngân hàng thương mại. Nội dung cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Trong năm Doanh nghiệp vay ngắn hạn của Ngân hàng thương mại Cổ phần có kỳ hạn từ 3 tháng đến 5 tháng, khoản vay lớn hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu nhưng Doanh nghiệp không có các khoản nợ trung hạn và dài hạn, thì Ngân hàng thương mại Cổ phần không phải là bên có quan hệ liên kết, vì theo quy định vốn vay đối với bên liên kết phải đáp ứng được đồng thời cả 2 điều kiện là tỷ lệ vốn góp của chủ sở hữu và khoản nợ trung và dài hạn.
– Trường hợp 2: Doanh nghiệp có mối quan hệ liên kết với 01 công ty khác theo điểm g, điểm i khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP nhưng không phát sinh vốn vay với công ty này, thì không điều chỉnh bởi điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
– Trường hợp 3: Doanh nghiệp có phát sinh giao dịch vay tiền không tính lãi của chủ doanh nghiệp và Phó giám đốc (Phó giám đốc là con của chủ doanh nghiệp nhưng không có góp vốn trong công ty) lớn hơn 10% vốn góp của chủ sở hữu, thì trường hợp này xác định là có giao dịch liên kết. Khi quyết toán thuế TNDN, đơn vị thực hiện kê khai thông tin giao dịch liên kết theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
Quản lý ngoại hối
Thay mới thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp
Ngày 26/10/2022 Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1826/QĐ-NHNN về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực hoạt động ngoại hối thực hiện tại Bộ phận Một cửa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Quyết định công bố kèm hướng dẫn các thủ tục mới về đăng ký khoản vay nước ngoài được quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-NHNN, bao gồm:
- Đăng ký tài khoản truy cập Trang điện tử quản lý vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh
- Đăng ký khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh
- Đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.
- Đăng ký thay đổi thông tin tài khoản truy cập Trang điện tử quản lý vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2022 và bãi bỏ Quyết định số 504/QĐ-NHNN ngày 05/04/2016.
Thay đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc với người sử dụng lao động
Ngày 24/09/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, đối tượng được giảm 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp là người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01/10/2021. Người sử dụng lao động nêu trên không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Thời gian thực hiện giảm mức đóng là 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/09/2022. Như vậy, từ ngày 01/10/2022, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ quay về mức 1% quỹ tiền lương.