CÔNG TY TNHH HÃNG KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN IPA

Bản tin thuế tháng 07/2022

09:34:53 20/08/2022 Lượt xem 993 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

ĐIỀU CHỈNH TĂNG MỨC LƯƠNG TỐI THIẾU VÙNG TỪ NGÀY 01/07/2022

Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo đó, quy định mức lương tối thiểu tháng đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:

– Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng (tăng 260.000 đồng/tháng);

– Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng);

– Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng);

– Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng).

(Mức tăng trên là so với quy định hiện hành tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP)

Đồng thời, quy định mới bổ sung mức lương tối thiểu giờ theo vùng như sau: Vùng I: 22.500 đồng/giờ; Vùng II: 20.000 đồng/giờ; Vùng III: 17.500 đồng/giờ; Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.

Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP; Việc áp dụng địa bàn vùng còn được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP.

Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

CÁC DẤU HIỆU RỦI RO VỀ HÓA ĐƠN, GIAN LẬN HOÀN THUẾ GTGT

Công văn số 1873/TCT-TTKT ngày 01/06/2022 về tăng cường rà soát, kiểm tra phát hiện NNT có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn, chống gian lận hoàn thuế GTGT với nội dung cụ thể như sau:

Cơ quan thuế các cấp tổ chức triển khai, phổ biến, tổ chức thực hiện, tổng kết, đánh giá và trao đổi kinh nghiệm về các dấu hiệu, hành vi vi phạm trong việc quản lý hóa đơn: Phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn không hợp pháp. Đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá phân loại các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn thông qua các dấu hiệu nghi vấn. Trường hợp có rủi ro cao về thuế thì cơ quan thuế yêu cầu giải trình làm rõ. Khi chứng minh được cơ sở nghi vấn rủi ro thì đưa vào kiểm tra giám sát trọng điểm, còn qua giải trình không đủ cơ sở chứng minh rủi ro thì tổ chức thanh tra, kiểm tra thuế kết hợp với kiểm tra hóa đơn ngay.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra, cần thực hiện những công việc như: Xác minh chứng từ, hóa đơn nguồn gốc của hàng hóa mua vào đến khâu cuối cùng (khi có dấu hiệu xuất hóa đơn lòng vòng); Kiểm tra thực tế kho hàng, thông tin về giao nhận hàng hóa từng lần xuất hàng; Kiểm tra, xác minh hàng hóa mua vào trong trường hợp NNT có đầu vào mua từ các doanh nghiệp hoạt động tại các địa phương không có nguồn nguyên liệu, hàng hóa đó; So sánh sự phù hợp giữa hàng hóa, dịch vụ của hóa đơn mua vào và của hóa đơn bán ra tương ứng; Đối chiếu chứng từ thanh toán tiền mua bán hàng hóa hạch toán tại doanh nghiệp với chứng từ thực tế phát sinh tại ngân hàng mà NNT giao dịch để phát hiện việc chuyển tiền lòng vòng, giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng, tiến hành xác minh giao dịch qua ngân hàng (sao kê ngân hàng) và phối hợp với chính quyền địa phương xác minh ngay những vấn đề còn tồn tại của doanh nghiệp.

Đối với những hóa đơn phục vụ cho việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT, qua thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện NNT có sử dụng đầu vào trực tiếp của doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn không hợp pháp nhưng chưa có kết luận chính thức của cơ quan thuế hoặc cơ quan chức năng thì: Cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để kê khai điều chỉnh thuế GTGT, điều chỉnh hồ sơ hoàn thuế. Nếu doanh nghiệp vẫn khẳng định các việc mua bán hàng hóa gắn liền với hóa đơn GTGT đầu vào là có thực và đúng quy định thì doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ kê khai, hoàn thuế của mình. Đồng thời, cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp phải phối hợp với cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn không hợp pháp để kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp này nhằm xác minh, kết luận hành vi vi phạm của doanh nghiệp liên quan đến các hóa đơn (nếu có).

Cơ quan thuế các cấp khi nhận được yêu cầu xác minh về hóa đơn, nguồn gốc hàng hóa, vận chuyển,… thì phải phối hợp xác minh và trả kết quả xác minh chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu yêu cầu xác minh, trường hợp phức tạp thì thời gian trả kết quả không quá 30 ngày làm việc, về vấn đề này, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu không nhận được sự phối hợp hoặc phối hợp không kịp thời của Cục Thuế khác, đề nghị Cục Thuế báo cáo ngay với Tổng cục Thuế để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với đơn vị xác minh và các đơn vị có liên quan đến đơn vị được yêu cầu xác minh, đề nghị các Cục Thuế rà soát và xem xét như một thông tin cảnh báo về doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro thuộc địa bàn quản lý thuế của mình để xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát trọng điểm.

Các Cục Thuế căn cứ vào thực tiễn quản lý của địa phương, tiến hành đánh giá các lĩnh vực có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, kịp thời báo cáo với UBND tỉnh, thành phố, Ban chỉ đạo chống thất thu NSNN tỉnh, thành phố để chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với cơ quan thuế trong công tác chống thất thu cho NSNN. Đồng thời, tham mưu với UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành tăng cường công tác phối hợp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác thuế như: trao đổi thông tin của doanh nghiệp giữa hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và hệ thống thông tin thuế, thực hiện tốt công tác đăng ký doanh nghiệp, rà soát thông tin doanh nghiệp mới thành lập, thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông, truyền tải thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ nhằm chống thất thu NSNN (Sở Kế hoạch Đầu tư); thông tin về tình hình nguồn gốc hàng hóa trên thị trường để phát hiện những trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa trôi nổi, không có nguồn gốc, không hạch toán sổ sách kế toán để không kê khai thuế (Sở Công Thương);…

Tăng cường trao đổi các kỹ năng qua thực tế đánh giá doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn, mua bán hóa đơn trong từng cơ quan thuế và cơ quan thuế các cấp, đồng thời tuyên truyền việc nhận diện hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và chế tài xử lý đối với từng hành vi để NNT biết và tránh tham gia vào các giao dịch mua bán hóa đơn; phối hợp với các đơn vị truyền thông công khai thông tin doanh nghiệp có hành vi mua, bán hóa đơn để nêu gương, góp phần “cảnh báo” các đối tượng đã và đang có ý định vi phạm pháp luật về mua, bán hóa đơn. Khi cơ quan thuế có thông báo về doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn, đề nghị Lãnh đạo các cơ quan thuế địa phương chỉ đạo tích cực phối hợp kiểm tra xử lý.

Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm đủ năng lực kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với doanh nghiệp có dấu hiệu mua, bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là công chức thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các công chức sai phạm, kiên quyết đưa ra khỏi hệ thống những công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, thiếu ý thức, trách nhiệm, buông lỏng quản lý, vi phạm 10 Điều kỷ luật đối với công chức, viên chức ngành thuế theo quy định tại Quyết định số 1036/QĐ-TCTngày 11/6/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Tăng cường công tác phối hợp với cơ quan công an theo Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BTC-BCAngày 20/6/2016 của Bộ Tài chính – Bộ Công an trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra xác minh người mua, người bán từ khâu đầu đến khâu cuối; Hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan Công an đảm bảo tính pháp lý, xác định rõ dấu hiệu, hình thức và thủ đoạn vi phạm về in, phát hành, sử dụng hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế hoặc có dấu hiệu mua bán hóa đơn của tổ chức cá nhân, doanh nghiệp; Phối hợp chặt chẽ việc cung cấp thông tin, tài liệu theo đề nghị của cơ quan Công an trong quá trình điều tra, xử lý, cập nhật kết quả điều tra, nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm điều tra kết luận, kiến nghị khởi tố xử lý theo đúng quy định của pháp luật và cập nhật kết quả xử lý kịp thời. Ban hành, sửa đổi các văn bản phối hợp để phù hợp với quy định hiện hành.

Tăng cường phối hợp với ngân hàng để xác minh việc thanh toán qua ngân hàng, giao dịch đáng ngờ theo Quyết định số 1796/QĐ-BTCngày 11/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế xử lý thông tin tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ tại Cơ quan thuế các cấp tại Quyết định số 568/QĐ-BTCngày 26/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tăng cường phối hợp với cơ quan Hải quan để kịp thời trao đổi và cung cấp thông tin theo Quyết định số 2413/QĐ-BTC ngày 23/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế: Xác minh nguồn gốc hàng hóa, tờ khai nhập khẩu, tờ khai xuất khẩu, kiểm tra đột xuất các lô hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp hoàn thuế,…

THÁO GỠ CÁC VƯỚNG MẮC TRONG LẬP HÓA ĐƠN.

Nghị định 41/2022/NĐ-CP ngày 20/06/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Việc ban hành Nghị định 41/2022/NĐ-CP nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT xuống 8% cụ thể như sau:

Trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn giá trị gia tăng phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa , dịch vụ theo quy định .

Trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm theo quy định.

Ngoài ra Nghị định 41/2022/NĐ-CP cũng ban hành Thông báo về việc tiếp nhận và kết quả xử lý về việc hóa đơn điện tử đã lập có sai sót theo Mẫu số 01/TB-HĐSS thay thế Mẫu số 01/TB-SSĐT Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

IV.Công văn của Tổng cục Thuế hướng dẫn đăng ký thuế đối với cá nhân không kinh doanh qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Công văn số 1604/TCT-KK  ngày 16/05/2022 gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, chỉ đạo việc triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ Đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh, qua Cổng dịch vụ công quốc gia, có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, Người nộp thuế là cá nhân không kinh doanh nộp hồ sơ đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế bằng điện tử đến cơ quan thuế qua Cổng dịch vụ công Quốc gia có kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo quy định tại Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 3/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế. Thời gian triển khai: Bắt đầu từ ngày 18/05/2022.

Tổng Cục Thuế ban hành kèm theo công văn 1604/TCT-KK Phụ lục hướng dẫn thực hiện việc đăng ký thuế cho các cá nhân và các bộ phận quản lý của cơ quan thuế trong việc triển khai.

Tổng cục Thuế gửi tài liệu hướng dẫn sử dụng ứng dụng dành cho cơ quan thuế, cán bộ thuế và người nộp thuế theo địa chỉ Ứng dụng TMS:

ftp://ftp.tct.vn/Program/TRlEN_KHAI/2022/TMS/CCCD/, đề nghị Cục Thuế tải về và thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn này. Ngoài ra, Tổng cục sẽ đăng tải tài liệu hướng dẫn sử dụng dành cho người nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (Phân hệ icanhan) để người nộp thuế tra cứu và thực hiện.

Tổng cục Thuế cũng có chỉ đạo: Đây là dịch vụ đăng ký thuế mà người nộp thuế thực hiện qua Cổng dịch vụ công Quốc gia có kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, do đó cần đẩy mạnh tuyên truyền về dịch vụ thuế điện tử mà ngành thuế đã phối hợp với các bộ/ngành khác cung cấp dịch vụ công ngày càng thuận lợi hơn cho người nộp thuế. Cơ quan thuế thực hiện nội dung, kế hoạch và hình thức tuyên truyền theo quy định.

Khách hàng

Cám ơn hàng trăm khách hàng đã tin tưởng sử dụng dịch vụ của chúng tôi

0901.595.958
zalo icon